Với sự chỉ đạo của đạo diễn lừng danh Vu Nhân Thái với sự góp mặt của dàn sao đình đám bậc nhất Hồng Kông như Trương Quốc Vinh, Lam Khiết Anh, Lâm Thanh Hà, Bạch Phát Ma Nữ phiên bản điện ảnh ra mắt năm 1992 đã quá thành công trong việc chinh phục khán giả trên khắp châu Á, trở thành bản kinh điển nhất từ trước tới nay, trong khi nếu nói về bản truyền hình thì Bạch Phát Ma Nữ TVB với sự chỉ đạo của giám chế Lưu Gia Hào ra mắt năm 1996 chính là bản đáng xem nhất, được yêu thích nhất.
Trong phim Bạch Phát Ma Nữ, Hà Bửu Sinh vào vai chàng trai Trác Nhất Hàng, cậu vốn là đại đệ tử của phái Võ Đang, sinh ra đã có tố chất luyện võ nên khi trưởng thành cậu đã sở hữu tài nghệ vào loại hàng đầu trong Bát đại môn phái. Nhất Hàng chính là niềm hy vọng của cả phái Võ Đang, thậm chí cậu còn là người mà cả giang hồ trông chờ khi mà giai đoạn cuối nhà Minh đang rất loạn lạc. Tuy nhiên, Nhất Hàng lại chẳng màng chức vị hay danh tiếng, cậu chỉ thích đối tửu cùng người bạn lâu năm là Ngô Tam Quế và tơ tưởng tới người trong mộng của cậu – cô nàng Ngọc La Sát xinh đẹp. Trớ trêu khi La Sát chính là đệ nhất sát thủ của Thần Cung giáo, vốn là kẻ địch của Bát đại môn phái.
Trời không phụ lòng người, cuối cùng Nhất Hàng cũng chiếm được trái tim của La Sát, anh đặt tên cho người yêu của mình là Luyện Nghê Thường, còn nàng Nghê Thường bắt người yêu phải thề rằng anh sẽ luôn tin tưởng vào cô, bất kể là có chuyện gì xảy ra đi nữa. Cuộc tình của Nhất Hàng và Nghê Thường tưởng chừng sẽ đi tới một cái kết đẹp khi đôi uyên ương luôn quấn quýt lấy nhau nhưng sóng gió đã thực sự ập tới với sự ngăn cản từ phía phái Võ Đang với Nhất Hàng, và từ phía Cơ Vô Song giáo chủ Thần Cung giáo, lúc này nhà Thanh đang xâm chiếm Trung Quốc nhờ sự tiếp tay của Ngô Tam Quế. Không đến được với nhau, bởi quá buồn bã nên nàng Nghê Thường đã biến thành Bạch phát ma nữ với mái tóc trắng xóa. Nhất Hàng vì muốn hồi sinh mái tóc của nàng nên suốt phần đời còn lại đã đứng canh trên đỉnh núi tuyết trắng để tìm thứ thảo dược đặc biệt mà người ta chỉ nghe thấy từ những câu chuyện truyền miệng.